|
||||||
Buổi trưa hè, trong tiếng đu đưa võng kẽo kẹt, làng ấp Bến Tre vẫn còn vang lên lời ru:
“Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa”
Nhiều người bỗng trực nhớ về một món ăn từng tạo ra thành nhiều đặc sản ở Bến Tre, đó là con còng, có một thời đã làm thức ăn thường xuyên của những người nghèo chân lấm tay bùn, nay dần dần mất đi chính là do sự thay đổi của môi trường vậy.
Từ bao đời nay, con còng bé xíu ấy, nhút nhát sống thập thò ở miệng hang ven sông rạch, kênh mương, đã gắn bó với cuộc sống của người dân miền sông nước. Sau vụ lúa là thời kỳ nhàn rỗi của nông thôn miền nước lợ, người ta xoay qua bắt còng ở các bãi sình ven sông, ven rạch. Đối với người nghèo, bắt còng là một nghề hẳn hoi để kiếm cơm độ nhật, sinh sống qua ngày…
Với vùng đất đầm lầy thích hợp của miệt rẫy, con còng ở các vùng quê miệt biển, nước lợ đã trở thành thức ăn thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người dân quê ở đất biển vùng sâu Bến Tre vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Nếu ăn theo kiểu chế biến đơn sơ thì có: còng rang, còng nấu canh “tập tàng” với cái loại rau như: bồ ngót, rau dền, rau má, đọt mùng tơi… Ngày hè nóng bức như lúc này mà có một bát canh còng như thế ăn với nồi cá kho tiêu và chén gạo tàu hương thơm, dẻo, ngọt thì quả thật là tuyệt vời!
Cầu kỳ hơn, có món còng lột chiên bột. Món này ngon tuyệt hảo, hoàn toàn xứng đáng khi được xếp vào hàng “đặc sản” của vùng đất “còng” ở Bến Tre. Ai ăn vào rồi thì sẽ thấy rất “đã”, rất khoái khẩu bởi vì nó có cái vị béo, giòn, chua, ngọt của nó. Điều kiện tiên quyết để chế biến món này là con còng phải đang trong thời kỳ lột vỏ, toàn thân mềm như sợi bún. Do đó, kiếm được còng đang lột không phải dễ như đi bắt còng bình thường.
Còng chiên bột
Món còng lột được người dân Châu Bình (Giồng Trôm) chế biến như sau:
Còng lột được rửa sạch, bỏ mắt và miệng, rồi nhúng vào nước bột gồm bột năng (còn gọi là bột mì tinh) và bột gạo, sau đó cho vào chảo mỡ đang sôi, khi chín vàng thì lấy ra bày trong dĩa, xốt cà chua có thêm gia vị như: đường, giấm, muối, bột ngọt… đun sôi lên, rồi rưới lên đĩa còng vừa chiên còn bốc khói. Chúng ta đã có được một món ăn không những rất dân dã mà còn độc đáo còn “trên cả tuyệt vời!”.
Cũng như nhiều nơi khác có còng Nam Bộ, đất Bến Tre, đặc biệt là ở xã Châu Bình (Giồng Trôm) có món “mắm còng” cực kỳ nổi tiếng. Cách làm mắm còng khá đơn giản. Còng được rửa sạch, lặt bỏ mắt và miệng. Cứ mười con còng thì một chén muối, cho vào cối giã nhuyễn, rồi bỏ vào lọ, đổ thêm một ly rượu trắng, trộn đều, đem phơi nắng từ hai đến ba ngày cho ngấm, sau đó đem vắt, lọc lấy nước. Nước mắm này tiếp tục đem phơi nắng cho đặc lại và cho đến khi ngả màu sẫm là dùng được.
Có thể nói, mắm còng ở vùng đất Bến Tre nổi tiếng nhất, đã đi vào phương ngôn, ngạn ngữ Nam Bộ là “Mắm còng Châu Bình” thuộc huyện Giồng Trôm. Loại mắm còng “đặc sản” này ngon trứ danh, vang xa khắp các tỉnh miền Nam. Khi ăn, phải cho thêm gia vị, tỏi, ớt, chanh, đường… vào mắm, thịt được nướng lên, bún bày sẵn trong tô và rau sống gồm: chuối chát, cà dĩa, tía tô, rau diếp cá, giá sống, gừng lát, ớt nguyên trái để cắt ăn… nhất thiết không được nhiều, không được thiếu. Tất cả những thứ đó trộn lẫn vào nhau, tạo thành một món ăn tuyệt vời, “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Mắm còng Bến Tre – tuy mang hơi hướng món ăn “hương đồng cỏ nội”, nhưng là món ăn quý, rất nhiều người muốn được thưởng thức, nhiều nơi ưa chuộng.
|