|
||||||
Buổi trưa hè, trong tiếng đu đưa võng kẽo kẹt, làng ấp Bến Tre vẫn còn vang lên lời ru:
“Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa”
Nhiều người bỗng trực nhớ về một món ăn từng tạo ra thành nhiều đặc sản ở Bến Tre, đó là con còng, có một thời đã làm thức ăn thường xuyên của những người nghèo chân lấm tay bùn, nay dần dần mất đi chính là do sự thay đổi của môi trường vậy.
Từ bao đời nay, con còng bé xíu ấy, nhút nhát sống thập thò ở miệng hang ven sông rạch, kênh mương, đã gắn bó với cuộc sống của người dân miền sông nước. Sau vụ lúa là thời kỳ nhàn rỗi của nông thôn miền nước lợ, người ta xoay qua bắt còng ở các bãi sình ven sông, ven rạch. Đối với người nghèo, bắt còng là một nghề hẳn hoi để kiếm cơm độ nhật, sinh sống qua ngày…
Với vùng đất đầm lầy thích hợp của miệt rẫy, con còng ở các vùng quê miệt biển, nước lợ đã trở thành thức ăn thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người dân quê ở đất biển vùng sâu Bến Tre vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Nếu ăn theo kiểu chế biến đơn sơ thì có: còng rang, còng nấu canh “tập tàng” với cái loại rau như: bồ ngót, rau dền, rau má, đọt mùng tơi… Ngày hè nóng bức như lúc này mà có một bát canh còng như thế ăn với nồi cá kho tiêu và chén gạo tàu hương thơm, dẻo, ngọt thì quả thật là tuyệt vời!
Cầu kỳ hơn, có món còng lột chiên bột. Món này ngon tuyệt hảo, hoàn toàn xứng đáng khi được xếp vào hàng “đặc sản” của vùng đất “còng” ở Bến Tre. Ai ăn vào rồi thì sẽ thấy rất “đã”, rất khoái khẩu bởi vì nó có cái vị béo, giòn, chua, ngọt của nó. Điều kiện tiên quyết để chế biến món này là con còng phải đang trong thời kỳ lột vỏ, toàn thân mềm như sợi bún. Do đó, kiếm được còng đang lột không phải dễ như đi bắt còng bình thường.
Còng chiên bột
Món còng lột được người dân Châu Bình (Giồng Trôm) chế biến như sau:
Còng lột được rửa sạch, bỏ mắt và miệng, rồi nhúng vào nước bột gồm bột năng (còn gọi là bột mì tinh) và bột gạo, sau đó cho vào chảo mỡ đang sôi, khi chín vàng thì lấy ra bày trong dĩa, xốt cà chua có thêm gia vị như: đường, giấm, muối, bột ngọt… đun sôi lên, rồi rưới lên đĩa còng vừa chiên còn bốc khói. Chúng ta đã có được một món ăn không những rất dân dã mà còn độc đáo còn “trên cả tuyệt vời!”.
Cũng như nhiều nơi khác có còng Nam Bộ, đất Bến Tre, đặc biệt là ở xã Châu Bình (Giồng Trôm) có món “mắm còng” cực kỳ nổi tiếng. Cách làm mắm còng khá đơn giản. Còng được rửa sạch, lặt bỏ mắt và miệng. Cứ mười con còng thì một chén muối, cho vào cối giã nhuyễn, rồi bỏ vào lọ, đổ thêm một ly rượu trắng, trộn đều, đem phơi nắng từ hai đến ba ngày cho ngấm, sau đó đem vắt, lọc lấy nước. Nước mắm này tiếp tục đem phơi nắng cho đặc lại và cho đến khi ngả màu sẫm là dùng được.
Có thể nói, mắm còng ở vùng đất Bến Tre nổi tiếng nhất, đã đi vào phương ngôn, ngạn ngữ Nam Bộ là “Mắm còng Châu Bình” thuộc huyện Giồng Trôm. Loại mắm còng “đặc sản” này ngon trứ danh, vang xa khắp các tỉnh miền Nam. Khi ăn, phải cho thêm gia vị, tỏi, ớt, chanh, đường… vào mắm, thịt được nướng lên, bún bày sẵn trong tô và rau sống gồm: chuối chát, cà dĩa, tía tô, rau diếp cá, giá sống, gừng lát, ớt nguyên trái để cắt ăn… nhất thiết không được nhiều, không được thiếu. Tất cả những thứ đó trộn lẫn vào nhau, tạo thành một món ăn tuyệt vời, “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Mắm còng Bến Tre – tuy mang hơi hướng món ăn “hương đồng cỏ nội”, nhưng là món ăn quý, rất nhiều người muốn được thưởng thức, nhiều nơi ưa chuộng.
|
Category Archives: Đặc sản Bến Tre
Đuông Dừa Bến Tre: Đặc Sản Xứ Dừa
Vị đuông dừa béo ngậy hòa lẫn với vị mặn của nước mắm kèm theo vị cay của quả ớt đã tạo nên một hương vị khó quên đã chinh phục biết bao nhiêu thực khách. Đuông dừa còn được gọi là con sâu dừa, chúng sống trong những đọt cổ hủ dừa (phần ngon nhất và dinh dưỡng nhất của cây dừa), chính vì lẽ đó người ta nói ăn đuông dừa là ăn những phần tinh túy nhất của cây dừa

Ăn đuông dừa muốn ngon thì đuông dừa phải tươi và sống. Đó cũng chính là tiêu chí kinh doanh khi cung cấp sản phẩm đuông dừa của siêu thị côn trùng.
Đuông dừa phải được bắt tận cây mang về và được giữ trong những đọt cổ hủ dừa sạch, tự nhiên ( nếu bạn mua cổ hủ dừa đã qua chế biến trong siêu thị thì đuông dừa sẽ không ăn loại cổ hủ dừa đó).

Đuông dừa với cách chế biến đơn giản đã làm nên rất nhiều món ăn dân dã như nướng bơ, chiên giòn, nấu cháo đuông và tắm mắm!!!

Dinh dưỡng và độc đáo chính xác là những từ ngữ dùng để nói về những món ăn làm từ đuông dừa….Bạn có muốn biết hương vị này không? Hãy cùng nhau thử những món ăn đuông dừa nào!!!!!
Vườn ẩm thực Chuồn chuồn ớt – Ăn đặc sản Bến tre
Bạn đã đến Bến tre và đang bâng khuâng không biết tìm một nơi ăn uống phù hợp. Khampha24h.vn xin giới thiệu Vườn ẩm thực Chuồn Chuồn Ớt, nơi hội tụ rất nhiều đặc sản khác nhau, với không gian thoáng mát, thanh tĩnh và được xem là một trong những nhà hàng ăn uống lý tưởng nhất ở quê hương Đồng khởi này.
Không gian của Vườn ẩm thực Chuồn chuồn ớt khá rộng mặc dù tọa lạc trên con đường ăn uống sầm uất của thành phố. Trong không gia mênh mông đó, những chiếc bàn đa phần làm bằng tre, gỗ tạo nên cảm giác thật gần gũi. Và đúng như tên gọi Vườn Ẩm Thực nên nhà hàng Chuồn chuồn ớt trông như một khu vườn được chăm sóc cắt tỉa tỉ mỹ. Rất nhiều loại hoa cỏ, cây lá được trồng trong khu vườn thơ mộng này. Và điểm nhấn của Vườn ẩm thực chính là những chú chuồn chuồn ớt treo lửng lơ, như chào mời thực khách.
Những hoa sen trắng hồng thoang thoảng hương thơm làm cho bữa ăn của thực khách ấm áp. Ngồi trong một chồi lá, tựa mình vào chiếc ghế tre ngắm nhìn những dây tóc tiên thả dài, thật sự cảm giác yên bình khi đến với Vườn ẩm thực Chuồn chuồn ớt mà không phải nơi nào cũng có được.
Có thể nói thực đơn của Vườn ẩm thực Chuồn chuồn ớt thuộc dạng phong phú bậc nhất. Ngoài các đặc sản của vùng quê xứ dừa như: chuột dừa, đuông dừa, gởi củ hủ dừa, tôm càng xanh, gà nồi hấp xã,…thì đặc sản của các vùng miền khác cũng xứ hiện ở đây. Quý khách có thể chọn lựa các đặc sản tươi sống và được phục vụ tại bàn nên luôn đảm bảo sự thơm ngon và an toàn tuyệt đối.
Những chú dông của miền quê Phan thiết
Cá bống mú tươi rối tung tăng bơi lội
Chào mừng quý khách đến Vườn ẩm thực Chuồn Chuồn Ớt
Địa chỉ: Quốc Lộ 60, Khu phố Bình Khởi, Phường 6, Thành Phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Điện thoại: 075.224.0889
Rượu dừa Bến Tre
Nếu nói về cái “thú say” thì ẩm thực Việt có bao điều thú vị. Từ những loại rượu của vùng núi ngàn lừng lẫy như rượu cần, rượu táo mèo, rượu ngô Nà Hang đến các loại rượu bình dân của xứ sở đồng bằng như nếp than, rượu gạo, tất cả đều khiến lắm kẻ ngất ngây.
Sầu riêng Cái Mơn: Đặc sản Bến Tre
Cái Mơn, vườn trái cây nổi tiếng của Bến Tre, là quê hương của trái sầu riêng. Về miệt vườn, hễ rủ nhau đi ăn sầu riêng hay măng cụt thì tốt nhất nên tìm đến các vườn cây ăn, vừa rẻ tiền lại vừa thoải mái, tha hồ mà thưởng thức.
Mùa hè là mùa sầu riêng. Nếu có dịp xin mời các bạn ghé thăm các vườn sầu riêng ở Cái Mơn. Cứ theo hương sầu riêng ngào ngạt dẫn đường đưa lối các bạn đến tận nơi.
Vườn sầu riêng thật sáng sủa, quang đãng chứ không âm u như vườn chôm chôm, mận, ổi hay măng cụt. Cây trồng thường thẳng tắp, mặt đất bằng phẳng và không có một ngọn cây cỏ. Nhưng trong những năm gần đây các vườn sầu riêng còn trồng xen kẽ thêm các loại cây ăn quả khác như khóm (thơm), ổi hoặc chuối.
Sầu riêng có họ hàng với họ nhà mít và vì nó kết trái trên đọt cây cao nên người ta còn gọi cây sầu riêng là “cây mít đọt”. Quả sầu riêng bé hơn quả mít nhiều, gai rất to, dài và cứng nhưng rất sắc bén. Vỏ nó dày cộm như vỏ mít nhưng vừa cứng vừa dai. Quả sầu riêng khi chín không giống như các loại cây ăn quả khác là tự nó sẽ rụng xuống đất vào ban đêm. Sáng sớm chủ vườn cứ ra các gốc cây tha hồ mà nhặt lấy.Thỉnh thoảng, sầu riêng buồn tình nên cũng phá luật tự rụng vào ban ngày.
Quả sầu riêng nặng trung bình từ một đến hai ký. Khi chín muồi, vỏ nó tự tách ra theo những khe nhất định, chia thành bốn hoặc năm mảnh theo chiều dọc, để lộ ra những múi béo ngậy nằm gối lên nhau, các múi đều nằm trong những buồng riêng biệt, mỗi buồng có từ 1 – 4 múi, lớn bé không đều nhau. Múi to nhất cũng bằng quả trứng vịt. Mỗi trái có nhiều nhất cũng được10 múi.
Giá trị mỗi trái sầu riêng còn tuỳ thuộc vào số lượng múi nhiều hay ít nhưng chủ yếu là ở chất lượng của cơm có ngon hay không. Cơm sầu riêng màu trắng ngà hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt. Cơm càng dày càng ngọt, càng béo, càng thơm tho. Chất béo của cơm sầu riêng gợi cho người ăn như cái béo của bơ hay sữa. Nó béo đến mức độ nhiều người ăn chẳng vô, phải dừng lại ở vài ba múi đầu tiên. Người hăng hái nhất và có duyên nợ với sầu riêng cũng chỉ “thưởng thức” một trái là cùng.
Tuy nhiên, cái thơm của sầu riêng làm rầy rà lắm chuyện. Có kẻ nghe mùi sầu riêng mà phát thèm, lắm người thì chịu không nổi cái mùi phát ra quá nặng và khó ngửi phải đau đầu, bịt mũi tránh xa. Người ta ăn sầu riêng từ hôm trước thế mà vài hôm sau cái mùi hương sầu riêng vẫn còn phảng phất trên đôi môi và đôi tay chưa phai. Và, cũng chính cái mùi hương lạ đời đó mà người ta chế ra đủ loại kem sầu riêng ngon hết ý để lại biết bao kỷ niệm của tuổi học trò khó quên…