Từ lâu, nó được xướng lên như niềm tự hào lớn lao của người dân xứ dừa bên cạnh nhiều đặc sản trời phú. Bánh là sản vật làm từ nước cốt dừa béo trong thuần khiết của cây dừa quê đang đến độ đẫy đà.
Bến Tre bây giờ khác xưa nhiều lắm, mọi thứ đều thay da đổi thịt, cây cầu nối đôi bờ sông Tiền rồi đây sẽ làm cho vùng đất này ngày càng trù phú. Nghe mấy người bạn quê nói như vậy, lòng vừa vui, vừa thoáng đâm lo. Chộp ngay ý bạn, hỏi vội một câu: “Thế còn làng bánh tráng, bánh phồng?”. Nói mà như sợ mất, sợ vuột, sợ ai tranh. Hồn hậu vỗ vai tôi, bạn khẳng khái: “Làng bánh càng rạng danh chứ sao!”. Nghe đến đây mới đánh bạo thở phào nhẹ nhõm. Vậy là vẫn còn có cớ về thăm Bến Tre!
Đã lâu lắm rồi cũng không có dịp về làng bánh. Chuyến về gần nhất của tôi cách đây năm năm, khoảng thời gian khá dài cho một sự đổi thay chóng vánh. Đến Mỹ Lồng, Sơn Đốc vào thời điểm vừa dứt Tết đâm ra… vô duyên thật nhưng có lẽ nhiều người vẫn chưa biết người dân ở đây làm bánh quanh năm. Qua Tết độ 1 tháng không khí càng rôm rả bởi theo lý giải của người dân quê: “Ra giêng người ta vẫn ăn chơi xả láng, qua Tết nhu cầu bánh biếu cho bà con xa càng hút hàng”. Thế là tôi tự mãn vì mình bắt đúng dịp.
Hương gạo, hương dừa, hương bánh tráng
Mỹ Lồng – Sơn Đốc là hai xã thuộc huyện Giồng Trôm, cách nhau gần 30 cây số nhưng hai địa danh này luôn gắn liền. Một nơi nổi tiếng với bánh tráng, một nơi nức danh với bánh phồng. Tình người, tình đất, tình quê thấm đẫm trong từng chiếc bánh làm nao nức khách phương xa. Nếu đi từ hướng thành phố Hồ Chí Minh về qua cầu Rạch Miễu thì sẽ đến địa phận xã Mỹ Lồng trước. Dọc hai bên đường, những phên bánh trải dài thẳng tắp dưới cái nắng hong hong ấm áp đầu xuân đẹp như một bức tranh với nét duyên ngầm khỏe khoắn. Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến kẻ lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men khật khưỡng. Ở góc sân mỗi nhà, thấp thoáng những nhành mai nở muộn. Không khí Tết vẫn chưa hề tan nhưng người thợ làm bánh đã nhanh chóng khai trương những mẻ mới, sớm hơn cả lịch làm việc của người dân thành thị. Nhà nhà, bất kể trẻ con, người già, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.
Bánh tráng làm bằng nước cốt dừa và được phơi trên vỉ lá dừa
Người Bến Tre có tiếng chân chất, mến khách, vừa ngỏ ý vào thăm, mọi người đã đon đả. Bắt chuyện cô Hoàng – một thợ làm bánh đã có trên 30 năm tuổi nghề, cô cho biết: “Là nghề truyền thống mấy ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết vừa mới chập chững biết đi đã… vấp phải những chồng bánh tráng trong nhà, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy”. Nhìn đôi tay gân guốc của người phụ nữ nông thôn ấy thoăn thoắt trên lò tráng bánh mới thấy hết sự nhuần nhuyễn, tài hoa của một nghệ nhân thực thụ. Lò tráng bánh được làm thủ công, phía dưới là nồi nước to, phía trên căng một lớp vài dày nhưng mịn. Bột sẽ được múc đổ từng vá lên tấm vải ấy, cán mỏng đều khắp một lượt, bánh vừa trở mình trong vắt là vít ra ống tre ngay, chuyển sang người kế
tiếp, đưa ra phên phơi. Bánh nếu gặp nắng tốt, độ nửa ngày là đã khô cong, chỉ chờ gỡ gạc, đem vào nhà. Công đoạn tráng bánh có vẻ không quá cầu kỳ nhưng chỉ cần lỡ tay, mất nhịp, phả không đều là bánh sượng sùng, chỗ dày chỗ mỏng, mất ngon, mất vị.
Thứ bột pha mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn không hẳn là loại gạo dẻo mịn tròn mà là gạo thơm vừa, nở nang, không quá khô là được. Đường, muối, mè cũng được cân định lượng, nhưng với người làm bánh lâu năm, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào. Nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa bóng mịn, béo ngất ngây của xứ sở quê hương. Cầm chiếc bánh trong tay, thấy mềm mịn màng, vân vê mãi cũng không tìm ra một vết lồi lõm không cân, bao hương thơm tích tụ, lan tỏa nồng nàn. Cái mùi beo béo, hây hẩy chút hơi gió, hơi lúa nghe đến thèm thuồng. Ngày nay, khi nhu cầu thị trường có phần chú ý đến hình thức thì người thợ cũng dày công tỉa vành bánh, ép khuôn, đóng gói cho tiện lợi và đẹp mắt nhưng các công đoạn làm bánh thủ công thì không thể thay. Chỉ với bàn tay và sự nhạy cảm của những nghệ nhân cũng đủ làm chiếc bánh tròn hương, tròn vị.
Bánh phồng Sơn Đốc ngon thơm cũng bởi tinh túy cốt dừa. Bánh xốp dẻo, béo và khó lẫn. Cái âm thanh xôm xốp cộng với mùi của bao sản vật quê hương gói trọn tinh thần của cả người làm ra bánh.
Vị giòn, vị nếp, vị bánh phồng
Rời Mỹ Lồng, tôi đến Sơn Đốc, không khí nơi đây cũng không kém phần rôm rả. Ngoài sân, trong nhà tấp nập như hội. Bánh phồng cán tròn, được phơi trên chiếu mới, còn thơm mùi lát. Một manh chiếu có thể được dùng cho một mùa nhưng thông thường, người ta vẫn thay chiếu luôn bởi chỉ có mùi lát mới mới làm cho bánh có hương nồng nàn. Nếp được chọn quết bánh phồng là loại nếp rặt, dẻo thơm đặc biệt, đồ quết thật kỹ để cho ra những phần bột đều tay, không lợn cợn ốc trâu.
Bánh phồng Sơn Đốc ngon thơm cũng bởi tinh túy cốt dừa. Bánh xốp dẻo, béo và khó lẫn. Cái âm thanh xôm xốp cộng với mùi của bao sản vật quê hương gói trọn tinh thần của cả người làm ra bánh. Cũng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc không thể truy cho được gốc gác, thời gian ra đời chính xác của nó. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Chuyên (Ấp 3, xã Châu Đốc) thì từ đời cố cụ, người ta đã biết đồ bánh phồng trong những ngày Tết. Dần dà, bánh được biếu đi xa, tên tuổi của cái bánh gắn với vùng đất nghèo cũng được khuếch trương từ đó. Bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre nhưng bánh phồng Sơn Đốc nhất định là quà ngon “lẫm liệt” không nơi nào qua. Không thể phân tích được từng thành phần trong bánh như nhà khoa học để tìm ra được cái bí truyền của nó bởi chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.
Hàng năm, làng bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc góp hàng tỉ đồng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Nhiều khách du lịch vẫn tìm đến để mua cho được chục bánh đem về xứ người. Nhưng những người làm ra chiếc bánh ấy có vẻ không thiết tha và am hiểu cái gọi là “du lịch”. Họ làm vì đây là nghề bí truyền, vì cớ sinh nhai và vì nhiều lý do khác nữa. Khen bánh ngon, khách tìm đến tận nhà, người dân vui vẻ, hồn hậu, chân thành, nói ra cả “gan ruột” của mình, sẵn sàng biếu không xấp bánh. Chẳng biết đó là ưu hay nhược điểm của người bản xứ, chỉ thấy mộc mạc nghĩa tình quá đỗi.
Rời Bến Tre về Sài Gòn, mang theo mấy chục bánh biếu bạn bè, lòng lâng lâng như góp được của trời. Mua đúng đặc sản, tìm đến tận gốc ngọn làng nghề mới thấy sướng rơn!