01/Jun/2023

Category Archives: Du lịch Bến Tre

Hành trình khám phá làng nghề tiểu thủ công nghiệp xứ dừa

Việc phát triển làng nghề hiện nay không chỉ thể hiện ở lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm có bản sắc riêng. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương trên mọi miền tổ quốc và ra thế giới. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng.

Đất Bến Tre hình thành trên ba dãy đất cù lao lớn (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình, về cây xanh trái ngọt trong cả bốn mùa, về không khí trong lành, êm ả, về những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Đặc biệt, vùng đất này rất phù hợp với phát triển cây dừa, vì thế mà xứ sở này có rừng dừa xanh bạt ngàn, bát ngát, mênh mông. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển đa dạng và phong phú như: Sản xuất chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Hoạt động làng nghề ở đây tuy không nhiều như những địa phương khác, song nó phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại. Đến đây du khách sẽ được khám phá các làng nghề.

Làng nghề tiểu thủ công nghệ Phước Long – Giồng Trôm

Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Bến Tre 2, rẽ phải theo tỉnh lộ 887 đi khoảng 12km là đến làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Ra đời trong những năm gần đây, do biết vận dụng sáng tạo và sử dụng hợp lý giá trị mà cây dừa đem lại, nên làng nghề đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm phong phú như: sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa,… Du khách đến nơi đây sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một sản phẩm “giỏ cọng dừa” mà người thợ chỉ cần học đan 3 ngày và thực hiện 8 công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt, hoàn thành phần đáy giỏ và cuối cùng là vô cây trữ vào kho chứa. Nghề đan giỏ cọng dừa ở Bến Tre đã xuất hiện trên 20 năm, ban đầu chỉ làm để phục vụ trong công việc hằng ngày nhưng dần dần đã phát triển thành làng nghề với quy mô lớn có giá trị xuất khẩu cao.

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong – Giồng Trôm

Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc), nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự nổi. Hiện nay, để đến làng nghề này, du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Nếu đi đường thủy thì từ bến sông Bến Tre du khách sẽ xuôi theo dòng Hàm Luông mất khoảng hơn 45 phút; đường bộ thì từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Bến Tre 2 đi thẳng theo đường tỉnh 887, tới ngã 3 Phước Long đường ra Bến phà Hưng Phong, rẽ phải đi thẳng khoảng 6km qua phà sẽ đến xã Hưng Phong.

Nghề đan giỏ cọng dừa ở đây được hình thành dù chỉ mới hơn 16 năm, nhưng có bước phát triển khá mạnh phần lớn là sản xuất theo hộ gia đình. Nhờ mẫu mã đa dạng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều. Các công đoạn làm giỏ cũng như tại làng nghề Phước Long.

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh và Khánh Thạnh Tân

Từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Hàm Luông theo QL60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, đi khoảng 3km du khách rẽ phải sẽ đến làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh, Mỏ Cày Nam. Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc cũng cách đó khoảng 10km.

Đây là làng nghề mới phát triển sau này và có vệ tinh nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng có trồng nhiều dừa. Nhưng chủ yếu vẫn là ở xã An Thạnh – Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân – Mỏ Cày Bắc. Cấu tạo tự nhiên địa giới hành chính 02 địa phương này nằm bên dòng sông Thơm, là điều kiện vô cùng thuận lợi để vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy. Người dân Bến Tre vốn từ lâu đã biệt vận dụng, sáng tạo từ cây dừa vốn từ lâu đã quen thuộc với người dân Bến Tre. Dừa được biến hóa ra nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng. Nhưng đặc biệt, tại hai làng nghề này là sản xuất ra những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ… Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,… Hiện nay các sản phẩm này được xuất thường xuyên sang các nước Hàn Quốc, Ấn Độ…

Làng nghề dệt chiếu (Nhơn Thạnh – An Hiệp – Thành Thới B)

Qua cầu Rạch Miễu theo QL60, đến vòng xoay ngã tư Tân Thành rẽ phải theo đường tỉnh 884 du khách đi khoảng hơn 9km, hay từ TP. Bến Tre đi đường bộ 12km sẽ đến làng nghề dệt chiếu An Hiệp ở ấp Thuận Điền – xã An Hiệp – Châu Thành. Hay du khách có thể đến làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh nằm ở vùng ven thành phố Bến Tre. Ngay ngã tư Tân Thành du khách theo đường tránh QL60 qua cầu Bến Tre 2, qua xã Mỹ Thạnh An là sẽ đến địa phận xã Nhơn Thạnh. Ở huyện Mỏ Cày Nam cũng có làng nghề dệt chiếu bằng cây cói rất nổi tiếng ở xã Thành Thới B, du khách cứ theo QL60 qua Cầu Hàm Luông đi tiếp khoảng trên 25km theo hướng đi Trà Vinh là đến nơi.

Đối với Bến Tre, nghề dệt chiếu cũng xuất hiện khá sớm, diễn ra quanh năm tại nhiều làng trong xã và thường bắt đầu từ tháng giêng đến hết tháng chạp âm lịch. Tuy vậy, hoạt động sản xuất chiếu thường nhộn nhịp vào những tháng cuối năm, bởi thời gian này, người dân trong tỉnh và những tỉnh thành lân cận thường mua những chiếc chiếu mới, có hoa văn trang trí đẹp về sử dụng trong gia đình, chùa chiền, đền miếu,… Đối với nghề dệt chiếu, phụ nữ được xem là những người thợ chính, bởi họ có sự nhẫn nại và đôi bàn tay mềm mại, tài hoa, nên họ có thể dệt những chiếc chiếu đẹp, bền chắc trong thời gian nhanh nhất. Lát là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu. Do điều kiện khí hậu nên lát được trồng nhiều ở các địa phương trong tỉnh như xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre; An Hiệp, Châu Thành; riêng xã Thành Thới B, Mỏ Cày Nam thì nguyên liệu lấy từ cây cói. Những năm trước đây, người dân làng nghề dệt chiếu sử dụng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng chiếu ngày càng nhiều nên phải mua lát từ các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp về để sản xuất. Sản phẩm của nghề dệt chiếu được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam. Người thợ dệt chiếu có thể bán trực tiếp cho người dân trên địa bàn hoặc bán cho những người gánh chiếu bán dạo ở các địa bàn lân cận. Ngoài ra, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Làng nghề đúc lu Hòa Lợi – Thạnh Phú

Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Hàm Luông theo QL60 đi khoảng trên 30 km rẽ phải sẽ đến xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Làng nghề này ra đời như một sự cần thiết. Chính vì sống ở vùng ven sông, tiếp giáp biển nên phần đông người dân ở Hòa Lợi đã tìm cách trữ nước mưa để sử dụng. Ở đây, hầu như nhà nào bà con cũng đúc, đổ các lu, ống chứa nước mưa để dự trữ sử dụng quanh năm. Vào mùa nắng, nguồn nước dự trữ này sẽ được dùng để nấu ăn, làm nước uống cho đến mùa mưa năm sau. Đây cũng là nguyên do để hình thành và phát triển làng nghề truyền thống “Làng lu Hòa Lợi”. Nghề này là nghề cha truyền con nối. Trải qua nhiều thế hệ, những người thợ làng lu Hoà Lợi đã sáng tạo ra những công cụ phục vụ cho nghề như cỡ lu (hình chữ C, có hai điểm cố định, khi xoay một vòng sẽ làm cho lu cân đối), cỡ miệng, bay làm láng da lu… Nhờ vậy mà sản phẩm của làng lu Hòa Lợi “trăm chiếc như một”. Sản phẩm này cũng được tiêu thụ tại địa phương, một số tỉnh bạn và xuất khẩu sang Campuchia.

Làng nghề bó chổi Mỹ An – Thạnh Phú

Từ làng nghề đúc lu nếu đi đến làng nghề bó chổi khoảng trên 15km. Trên QL57, nếu như làng nghề đúc lu Hòa Lợi rẽ phải, thì làng nghề Mỹ An du khách sẽ rẽ trái đi khoảng 10km. Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp và tập trung nhiều nhất ở ấp An Hòa, đây là điểm xuất phát đầu tiên của làng nghề. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn lâu dài đã được bán ra thị trường ngoài tỉnh. Nghề này có thể nói là phổ biến lâu nay ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở xứ có nhiều dừa như Bến Tre. Người ta đã biết vận dụng từ cọng của lá dừa, lá cau, hay cọng của là dừa nước để làm nên những sản phẩm đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, chổi bó rồi, chổi đang bó, tiếng quay dây cước vào trục nghe rè rè, tiếng kêu ken két đầy ấn tượng, rồi đến tiếng xe máy chở nguyên vật liệu ra vào, khiến làng chổi càng thêm nhộn nhịp. Người dân nơi đây cho biết, nghề này nhẹ nhàng, làm chơi mà ăn thiệt. Mỗi sản phẩm làm ra là một kỷ niệm thấm đẫm tình người, với biết bao niềm hy vọng tươi sáng của người dân hiền lành, chất phác ở một vùng quê sông nước xứ dừa luôn tin tưởng nghề này không bị mất đi và sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.

Làng nghề đan đát – Phước Tuy

Nghề đan đát truyền thống Phú Lễ đã tồn tại không dưới trăm năm. Đây là làng nghề xuất hiện ở Bến Tre cũng khá lâu. Làng nghề hiện có đến cả ngàn sản phẩm với hơn mười loại, mẫu mã, kích cỡ đa dạng như bội, bung, rổ, rế, sọt, lờ, lọp, nơm cá,… nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc, tầm vông. Lúc đầu nghề đan đát chỉ là nghề phục vụ trong sinh hoạt bình thường của người dân, nhưng về sau khi có nhu cầu về trang trí thì các sản phẩm làm ra đa dạng hơn.

Hiện nay, nghề đan đát phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở xã Phước Tuy. Ngoài ra còn tập trung rải rác ở các xã khác như Phú Lễ, An Bình Tây và An Đức thuộc huyện Ba Tri. Trong nghề đan đát, ra nan là một công đoạn quan trọng góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm. Để có những thanh nan đều, đẹp thì sau khi phân đoạn tre, trúc theo đúng quy cách, dùng dao rọc sạch mắt, sau đó chẻ đôi, tiếp tục chẻ đôi cho vừa nan theo quy cách. Chẻ hoặc tách nan bắt đầu từ gốc đến ngọn, ra nan có thể sử dụng dao mác vót để tách nan đều, không bị lỗi. Sau khi ra nan, sử dụng dao mác vót láng (dân gian hay gọi là lau lại cho bóng). Công đoạn kế tiếp là tạo vành cho các loại sản phẩm có sử dụng vành như rổ, thúng, lọp… Tạo vành xong sẽ tiến hành đan. Tùy theo từng loại sản phẩm mà sử dụng cách đan khác nhau như đan long mốt, long hai đối với các lại rổ gánh, rổ xúc, sàng, sịa; long ba dành cho đan thúng; long bốn, năm dùng cho sản phẩm bội… Ngoài ra còn có công đoạn đát, lận vành, nứt vành.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ – Ba Tri

Làng nghề Phú Lễ ở ấp Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Khương xã Phú Lễ – Ba Tri. Làng nghề chủ yếu về mây tre đan và sản xuất rượu nếp. Về mây tre đan thì các sản phẩm từ công đoạn chuẩn bị đến thành phẩm cũng giống như làng nghề Phước Tuy. Nhưng điểm nổi bật ở Phú Lễ và có tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh là sản xuất rượu Phú Lễ. Đây là một nghề của địa phương đã có từ lâu đời. Cái vị nồng nồng kết hợp với mùi thơm dễ chịu khi uống và đặc biệt nhất là cách làm rượu truyền thống. Từ quy trình chọn lọc nếp đến ủ rượu đều được chú trọng. Ngày nay, làng nghề ở xã Phú Lễ đã được gắn liền với tên rượu Phú Lễ.

Về Bến Tre nghe đàn ca tài tử

Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi ba cù lao là: cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh. Bến Tre được mọi người biết đến như là m

Những vườn dừa Bến Tre xanh ngát

Muốn về Bến Tre, phải qua cầu Rạch Miễu. Đó là một cây cầu dây văng được khánh thành vào năm 2009 nối hai bờ sông Tiền và là một trong những cây cầu lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Từ trên đỉnh cầu nhìn xuống, toàn cảnh vùng đất Bến Tre hiện lên dưới chân như một tấm thảm màu xanh trải dài, xa tít tận chân trời. Bao quanh những rặng dừa hay những khu vườn cây ăn trái ấy là bốn bề sông nước, những con sông nặng chất phù sa sẽ là nguồn tài nguyên màu mỡ mang lại sự trù phú cho cù lao dừa cũng như bồi bổ cho những mảnh vườn trái cây càng thêm trĩu quả.

Cầu Rạch Miễu nối đôi bờ sông Tiền

Tôi rất tự hào vì mình là người con của quê hương Đồng Khởi, nơi hình thành nên những nền văn hóa của xứ miệt vườn, nơi mang lại cho tôi cảm giác yên bình mỗi lần về thăm, nơi tôi lớn lên cùng với những lời ru, điệu hò và cả đờn ca tài tử.

Đờn ca tài từ tại các hộ gia đình

Thật thú vị biết mấy khi được nằm đu đưa trên những chiến võng, vừa nhấm nháp trái cây tươi vừa nghe đờn ca tài tử. Nhắc đến đờn ca tài tử thì người dân xứ miền Tây Nam bộ như chúng tôi không còn lạ gì. Đờn ca tài tử đã xuất hiện từ rất lâu và đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng sông nước. Tôi đã có dịp biết đến đờn ca tài tử từ nhỏ. Lúc ấy, trong xóm tôi ở cũng có một câu lạc bộ đờn ca tài tử và mỗi lần cha mẹ đến đó tham gia đều dắt tôi theo. Nghe đờn ca tài tử cũng giống như nghe hát cải lương và dàn nhạc tài tử là sự kết hợp độc đáo giữa các loại nhạc cụ như: đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, gáo, sến, tiêu và có thêm cả đàn tỳ bà, tam, đoản, đàn bầu (độc huyền) và sáo. Bốn nhạc công bậc thầy của đờn ca tài tử được giới nhạc truyền tai nhau qua hai câu thơ:

Bến Tre có bốn đồng đen
Sa kèn, Hậu trống, Độ cò, mõ Công

Đờn ca tài tử tại các khu du lịch

Giai đoạn trước đờn ca tài tử chưa phát triển mạnh, chỉ là hoạt động tự phát và chủ yếu xuất hiện ở những lễ hội, tiệc mừng lớn. Ngày nay, phong trào nhạc tài tử Bến Tre đã phát triển mạnh hơn không chỉ ở thị xã, các khu du lịch mà còn trở thành một câu lạc bộ hoạt động thường xuyên ở xóm ấp và từng hộ gia đình. Sau những ngày mùa vụ xong xuôi, trời ráo nắng, trăng thanh, gió mát mọi người trong xóm cùng rủ nhau quay quần lại vừa đàn ca vừa thưởng thức trà nóng, cảm giác thật yên bình. Hoặc giả nếu ai muốn khám phá thêm nhiều điều thú vị nữa thì có thể đến những khu du lịch sinh thái như Khu du lịch Quới Sơn hay Khu du lịch Cồn Phụng. Ở đó không gian thưởng thức đờn ca tài tử sẽ thoải mái hơn, phong phú và chuyên nghiệp hơn. Sự kết hợp giữa đờn ca tài tử với ẩm thực miệt vườn đang thu hút khá nhiều du khách nhất là khách du lịch nước ngoài. Họ đến đây không chỉ khám phá cảnh sắc thiên nhiên xanh mát của miền sông nước, uống nước dừa, ăn trái cây, chèo xuồng mà còn có thể ngồi ê a hoặc nằm trên những chiếc võng nhắm mắt lại lim dim thả hồn theo từng bản nhạc tài tử.

Đờn ca tài tử tại các câu lạc bộ

Đờn ca tài tử là một nghệ thuật và người nghe đờn ca tài tử cũng là một nghệ sĩ. Phải có sự giao thoa giữa người đàn ca và người thưởng thức thì âm nhạc tài tử mới được thăng hoa và phát huy hết giá trị của nó. Nhiều người họ nghe nhạc tài tử họ không hiểu gì cả nhưng cũng có những người khi âm nhạc tài tử cất lên, họ như được sống lại với ký ức, cội nguồn của họ và họ say sưa hát theo cùng với những tiếng đàn buồn thương ai oán ấy. Tôi không phải là giới mộ điệu của hình thức nghệ thuật này nhưng khi nghe tôi vẫn hiểu và cảm được cả lời và nhạc. Có lẽ cái chất miền tây đã ngấm vào trong máu tôi và mỗi khi nghe nhạc tài tử tôi có cảm giác bình yên và thoải mái vô cùng.

Đờn ca tài tử trên sông

Hãy về Bến Tre mà nghe điệu đàn tài tử, về một lần rồi cảm giác sẽ không bao giờ quên. Những người dân Bến Tre nồng hậu, những cô gái xứ dừa thật dễ thương, những món ăn ngon dân dã, những ly nước dừa ngọt mát, những dòng sông chở nặng phù sa và những mảnh vườn cây trái xum xuê sẽ cùng tôi chào đón các bạn. Đến với Bến Tre là đến với những gì trong lành, thoải mái và yên bình nhất. Xin hẹn gặp các bạn vào một ngày không xa.

Chèo xuồng dưa khách du lịch tham quan sông rạch

Vườn trái cây Cái Mơn mùa trĩu quả

Khu du lịch & nghỉ dưỡng cao cấp tại Bến Tre

Vào ngày 22/03/2013, Công ty TNHH TM Lô Hội sẽ chính thức khai trương Khu B Forever Green Resort – Khu du lịch sinh thái & nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên của Bến Tre do Công ty làm chủ đầu tư và xây dựng. Đây là dự án trọng điểm của Công ty có tổng diện tích 21 hecta với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD.

Dự án Forever Green Resort được khởi công xây dựng vào ngày 26/10/2009 tại ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và được chia thành hai giai đoạn với thời gian dự kiến hoàn tất vào năm 2018 theo phong cách gần gũi với thiên nhiên nhưng chất lượng các dịch vụ thuộc hàng cao cấp và chất lượng đẳng cấp quốc tế. Đến thời điểm này, Forever Green Resort đã hoàn thành các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 1 bao gồm Khu B với 60 phòng nghỉ dạng villa mini được trang bị bằng những tiện nghi sang trọng, hiện đại đạt tiêu chuẩn 4 sao, một phần khu A với các khu phức hợp dịch vụ nhà hàng, bến thuyền, các khu vườn sinh thái và khu dịch vụ giải trí bao gồm spa, karaoke, bar, trung tâm thể dục và phục hồi sức khỏe. Forever Green Resort sẽ chính thức được khai trương vào lúc 17h30 ngày 22/03/2013 và sẵn sang chào đón những vị khách đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động giải trí, thư giãn và tìm hiểu những nét văn hóa, lịch sử và cuộc sống của người dân Bến Tre.

Chương trình khai trương với nhiều tiết mục hấp dẫn, đặc sắc cùng buổi tiệc ấm cúng, sang trọng hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm thật sự khác biệt dành cho các vị khách quý, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương cùng đông đảo khách mời là các đối tác trong và ngoài nước và các Nhà phân phối thân thiết của Công ty.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre

Đến với Thới Sơn du khách có thể tận mắt trong thấy quá trình làm kẹo dừa thủ công của Bến Tre, đã được gìn giữ từ rất lâu đời tại nơi đây
Đến với Thới Sơn du khách có thể tận mắt trong thấy quá trình làm kẹo dừa thủ công của Bến Tre, đã được gìn giữ từ rất lâu đời tại nơi đây.
Khu du lịch sinh thái, miệt vườn Thới Sơn, nằm ngay dưới chân cầu Rạch Miễu, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre từ lâu đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến từ mọi miền Tổ quốc.

Đến với Thới Sơn, du khách sẽ được hoà mình vào không khí làng quê miền Tây Nam Bộ thanh bình, với những loại quả ngọt, trái thơm níu lòng người đến, hấp dẫn khách du lịch bốn phương.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 1

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 2
Du khách thích thú bên hàng quà lưu niệm

Đặc biệt từ khi cầu Rạch Miễu được xây dựng thì việc đến với khu du lịch Thới Sơn lại càng dễ dàng và thuận tiện hơn. Khi đến với Thới Sơn, khách du lịch sẽ có dịp ngắm nhìn những hàng dừa cao vút, đặc trưng của xứ Bến Tre.

Bên cạnh đó là những món quà lưu niệm đặc biệt, được làm từ chính cây dừa, loại cây thương hiệu của Bến Tre như: ấm trà, chén, muỗng đũa dừa, móc khoá, vòng tay… Hay cũng có thể là đặc sản mộc mạc của miền Tây Nam Bộ như: kẹo dừa, thạch dừa, cốm dừa, cốm gạo.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 3
Tất cả đều được làm từ cây dừa đặc trưng của Bến Tre.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 4
Những chú khỉ được làm từ trái dừa.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 5
Những chiếc gáo dừa khổng lồ.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 6
Chiếc túi xách xinh xắn.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 7
Ấm trà được làm từ vỏ trái dừa.

Thú vị hơn, du khách có thể tận mắt trong thấy quá trình làm kẹo dừa thủ công của Bến Tre, đã được gìn giữ từ rất lâu đời tại khu du lịch Thới Sơn. Những cô gái với bàn tay thoăn thoắt đang ngồi sên dừa, cắt kẹo dừa ra từng miếng vuông nhỏ, gói vỏ kẹo dừa… luôn là trung tâm của sự chú ý với du khách khi lần đầu đến đây.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 8
Cô gái đang hướng dẫn gói vỏ kẹo dừa.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 9
Phiến kẹo dừa được để nguội trước khi mang cắt thành miếng vừa ăn.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 10
Khách du lịch thích thú khi được thử cắt kẹo dừa.

Ngoài ra du khách có thể nếm thử kẹo dừa còn nóng hổi, thơm mùi đường phên, nước cốt dừa béo ngậy ngập tràn trong miệng, uống một tách trà nóng thì quả thật không còn gì tuyệt vời hơn. Nếu thích du khách có thể thử đi cầu khỉ, một loại cầu đặc trưng của xứ miền Tây. Cảm giác chênh vênh trên một chiếc cầu nhỏ luôn mang đến sự cuốn hút với những ai yêu thích sự mạo hiểm và cảm giác lạ.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 11
Chú trăn là tâm điểm của khách du lịch khi đến đây.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 12
Cầu khỉ nét truyền thống của người miền Tây.

Đến Thới Sơn học cách làm kẹo dừa Bến Tre – hình 13

Vùng đất miền Tây Nam Bộ bình yên, người dân mộc mạc chân thành sẽ luôn luôn chào đón tất cả du khách trong và ngoài nước, Vào dịp cuối tuần bạn hãy cùng gia đình thực hiện chuyến du ngoạn đến Thới Sơn để tìm về với quê hương miền Tây qua cảnh sắc và hương vị.

DU LỊCH BẾN TRE CÓ GÌ?

Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 85km về phía tây nam, Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, xứ sở của những cù lao mênh mông sông nước, rợp bóng những hàng dừa, xum xuê bốn mùa cây xanh quả ngọt.

Bến Tre tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 60 km, phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh.
Bến Tre có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thị xã Bến Tre, Huyện Ba Tri, Huyện Bình Đại, Huyện Châu Thành, Huyện Chợ Lách, Huyện Giồng Trôm, Huyện Mỏ Cày, Huyện Thạnh Phú. Trong thời Chiến tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là quê hương “Đồng Khởi”, mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.

Du khách về Bến Tre có dịp ghé thăm xã An Ðức, huyện Ba Tri, đây là nơi an nghỉ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Ðình Chiểu, cùng thắp nén hương nhớ lại sự nghiệp văn chương yêu nước của cụ. Nhắc đến Ba Tri là nhắc đến mảnh đất có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, với hình ảnh Ông già Ba Tri trở thành huyền thoại cho đến nhà thơ mù lòa Nguyễn Ðình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên bất hủ. Ở gần mộ cụ Ðồ Chiểu còn có mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta, đó là tờ Nữ giới chung. Sau đó, du khách có thể qua xã Bảo Thạnh, viếng lăng cụ Võ Trường Toản, một vị túc nho, một thầy giáo nổi tiếng đã được đông đảo sĩ phu Nam Bộ đương thời kính trọng.

Qua cù lao Minh, du khách đến huyện Mỏ Cày, thăm xã Bình Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, cái nôi của phong trào Ðồng Khởi trong thời chống Mỹ. Ngày 17 tháng 1 hằng năm được chọn làm ngày Ðồng Khởi. Ðây cũng chính là nơi ra đời đội quân tóc dài mà tiếng vang của nó đã được bạn bè khắp thế giới biết đến. Bến Tre không chỉ có những di tích lịch sử giàu truyền thống, mà còn nổi tiếng với các loại cây ăn trái và làng cây kiểng.

Về thăm Bến Tre mà du khách không đến thăm và thưởng thức trái cây ở huyện Chợ Lách sẽ là một thiếu sót lớn. Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách nổi tiếng về vườn cây ăn trái. Ðây cũng là quê hương của Trương Vĩnh Ký tức Pétrus Ký, nhà bác học, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Nam Bộ đã có công mang một số giống cây trái từ Ma-lai-xi-a về trồng ở đây vào cuối thế kỷ 19. Cái Mơn đất đai màu mỡ, cây xanh trái ngọt, mùa nào thức ấy. Ðến các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Sơn Ðịnh, Phú Sơn vào mùa trái cây, du khách không khỏi ngạc nhiên trước những vườn chôm chôm chín đỏ, những vườn xoài, vườn cam, vườn quýt, vườn sa-bô-chê oằn quả che khuất cả lối đi.
Cái Mơn, nơi nổi tiếng với Sầu riêng Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Ðến đây mùa nào cũng có các loại trái cây để ăn. Làng nghề Cái Mơn hàng năm còn cung ứng cho thị trường nhiều triệu cây giống các loại như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon và các loại cây có múi. Cái Mơn cũng là nơi có nhiều nghệ nhân, nhân giống triết cành tạo nên các loại cây cảnh và hình bó nai, hình con hươu, nai, rồng, phượng… rất đẹp mắt. Sản phẩm được bán nhiều ở Thủ Ðức, Biên Hòa,… và xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Khách du lịch về Bến Tre bằng du thuyền sẽ gặp mảnh đất đầu tiên của xứ dừa thơ mộng nằm giữa sông Tiền bao la quen gọi là Cồn Phụng (thuộc huyện Châu Thành). Cồn Phụng là cửa ngõ ra vào Bến Tre. Cồn Phụng từng là thánh địa của ông Ðạo Dừa. Khi đặt chân lên Cồn Phụng, du khách có cảm tưởng như ở trên con tàu quanh năm sóng vỗ, bốn bề là vườn cây ăn trái xanh mát. Ngày nay, Cồn Phụng là một điểm quan trọng trong tuyến du lịch về xứ dừa Bến Tre.
Ngoài ra còn có Cồn Ốc (Cồn Hưng Phong) thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả, cồn Tiên thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, là một bãi cát đẹp, hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng vạn người đến tắm và vui chơi giải trí.

Cũng có thể dùng thuyền máy xuôi dòng sông Ba Lai về vườn chim Vàm Hồ trên cù lao Lá. Ðây là là nơi trú ngụ của gần 500.000 con cò và vạc và các loài chim thú hoang dại khác cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú gồm các loại cây ổi, so đủa, đậu ván, mãng cầu xiêm, dừa nước, đước đôi, bụp tra, chà là, ô rô, rau muống biển… Sân chim Vàm Hồ là khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn, du khách sẽ được hướng dẫn thăm sân chim Vàm Hồ và có cơ hội được nhìn toàn cảnh sân chim khi leo lên dàn tháp bằng gỗ thật cao trông như một đài quan sát. Du khách thật sự thích thú khi được sống chan hòa trong thế giới âm thanh của đủ loại chim, tất cả như một bản hòa tấu vô vàn âm sắc.

Bến Tre cũng có những bãi tắm đẹp như bãi biển Thừa Đức thuộc Bình Đại, bãi Ngao ở huyện Ba Tri. Các chùa nổi tiếng ở Bến Tre là chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh. Chùa Hội Tôn Chùa được thiền sư Long Thiền dựng vào thế kỷ 18 tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành và được trùng tu vào các năm 1805, 1884, 1947 và 1992. Chùa Tuyên Linh được dựng vào năm 1861 ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mõ Cày, và được tu sửa và mở rộng vào các năm 1924, 1941, 1983. Chùa Viên Minh tọa lạc ở 156, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị xã Bến Tre, với kiến trúc hiện nay được xây từ năm 1951 đến 1959.

Bến Tre có mộ của Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và nữ tướng Nguyễn Thị Định và cả ngôi mộ của nhà bác học nổi tiếng Trương Vĩnh Ký. Có hai lễ hội lớn hàng năm ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông.

Khi rời Bến Tre, du khách không quên chọn mua một ít món quà nổi tiếng như kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồn, được truyền tụng qua câu ca: “Kẹo Mỏ Cày vừa thanh vừa béo / Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”.