01/Jun/2023

Về Bến Tre chơi ở đâu?

Bến Tre là 1 tỉnh đồng bằng nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông, có 65 km đường bờ biển và được 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bồi đắp, chia tỉnh ra thành 3 cù lao lớn.
+ Cù lao An Hoá (gồm 2 huyện Châu Thành, Bình Đại)
+ Cù lao Bảo (gồm Thành phố Bến Tre và 2 huyện Giồng Trôm, Ba Tri).
+ Cù lao Minh (gồm 4 huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú).

Bến Tre là tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ, có hai mùa rõ rệt ( 6 tháng mưa và 6 tháng nắng ), mưa thuận gió hoà, có hệ thống sông nước, kênh rạch chằng chịt tạo nên một tiềm năng du lịch sinh thái mang đậm tính Nam bộ, với những vườn cây ăn trái xum xuê, những rừng dừa bạt ngàn, đồng thời cũng là vùng đất được phù sa bồi đắp, đem lại thuận lợi cho việc sản xuất các loại cây giống cung cấp cho các tỉnh trong nước và các nước lân cận.

Bến Tre có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa khá đa dạng và phong phú, bên cạnh đó Bến Tre cũng là vùng đất sản sinh ra nhiều danh nhân sống mãi trong lịch sử như: Cụ Nguyễn Đình Chiểu, Cụ Phan Văn Trị, Cụ Phan Thanh Giản, Cụ Võ Trường Toản, Lãnh Binh Thăng, Lãnh Quang Quan (Tán Kế), Cụ Trương Vĩnh Ký, Trung tướng Đồng Văn Cống, Nữ Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó HĐBT Huỳnh Tấn Phát…Ngoài ra, cùng với những yếu tố tự nhiên và nét văn hóa quê hương đã tạo cho vùng đất Bến tre một tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú làm cho du khách xa gần không thể bỏ qua.

Dừa là loại cây đặc trưng của Bến Tre

Bến Tre có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn sông nước, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.
Một số địa điểm du lịch hấp dẫn là:

Cồn Phụng

Thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ, gáo dừa… , lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ.
Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.

Cồn Ốc (Cồn Hưng Phong) thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả.

Cồn Tiên, thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, là một bãi cát đẹp. Vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, vùng đất này thu hút hàng ngàn du kháchtrong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịc Một số người còn gọi đây là “Vũng Tàu 2″. Hiện nay nơi này đã được đầu tư thành nơi nuôi cá da trơn và Trai cánh đen.

Sân chim Vàm Hồ

Thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, là nơi trú ngụ của gần 500.000 con cò, vạc và các loài chim thú hoang dã khác, sân chim Vàm Hồ còn hấp dẫn du khách với rừng chà là và thảm thực vật phong phú gồm các loại cây như : ổi, so đũa, đậu ván, mãng cầu xiêm, dừa nước, đước đôi, bụp tra, chà là, ô rô, rau muống biển…
Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang đầu tư xây dựng dự án “Điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại Vườn chim Vàm Hồ” với diện tích 29 ha.

Vườn cây ăn trái và hoa kiểng Cái Mơn

Nổi tiếng với sầu riêng Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Ðến đây mùa nào du khách cũng có các loại trái cây để thưởng thức. Làng nghề Cái Mơn hàng năm còn cung ứng cho thị trường hàng triệu cây giống các loại như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, chôm chôm và các loại cây có múi.

Cái Mơn cũng là nơi có nhiều nghệ nhân, nhân giống uốn tỉa tạo nên các loại cây cảnh và hình thú như: nai, hươu, rồng, phượng… rất đẹp mắt. Sản phẩm được bán nhiều ở Thủ Ðức,Biên Hòa,… và xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra cũng có du lịch trên sông nước bãi biển Thừa Đức thuộc Bình Đại và các bãi như bãi Ngao, huyện Ba Tri, bãi tắm Cồn Bửng hoang sơ mới đưa vào khai thác thuộc huyện Thạnh Phú.

Lễ hội
Có hai lễ hội lớn ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông.

Đình Phú Lễ ở ấp Phú Khương xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Hàng năm lễ hội đình Phú Lễ diễn ra 2 lần: lễ Kỳ Yên vào ngày 18, ngày 19 tháng 3 âm lịch để cầu cho mưa thuận, gió hòa và lễ Cầu Bông vào ngày 9, ngày 10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, người đã có công khai khẩn giúp dân trồng trọt. Đêm có hát bội và ca nhạc tài tử.

Lễ hội nghinh Ông là lễ hội phổ biến của các làng ven biển của Việt Nam, trong đó có Bến Tre. Hàng năm vào các ngày 16/6 âm lịch tại các đình đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri, mở lễ hội này. Trong ngày hội tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung neo đậu để tế lễ, vui chơi và ăn uống.

Các nơi thờ tự ở Bến Tre

Các chùa nổi tiếng ở Bến Tre là chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh.
Chùa Hội Tôn Chùa được thiền sư Long Thiền dựng vào thế kỷ 18 tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành và được trùng tu vào các năm 1805, 1884, 1947 và 1992. Chùa Tuyên Linh được dựng vào năm 1861 ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mõ Cày, và được tu sửa và mở rộng vào các năm 1924, 1941, 1983.
Chùa Viên Minh tọa lạc ở 156, đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre, với kiến trúc hiện nay được xây từ năm 1951 đến 1959.
Ngoài ra, Bến Tre còn là nơi yên nghỉ cuối cùng của rất nhiều nhân vật lịch sử như cụ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản, Trần Văn Ơn, nữ tướng Nguyễn Thị Định…. là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà bác học nổi tiếng Trương Vĩnh Ký ( ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre).

Festival Dừa
là một lễ hội về dừa được tổ chức tại tỉnh Bến Tre. Lễ hội đã được tổ chức qua 3 kỳ vào các năm 2009, 2010 và 2012. Hai kỳ đầu tiên được tổ chức với quy mô địa phương trong khi đó năm 2012 được tổ chức với quy mô quốc gia.Festival Dừa năm 2012 mang nhiều ý nghĩa hơn với mục đích mở rộng thị trường cho các sản phẩm dừa, giao lưu công nghệ sản xuất, chế biến dừa, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trồng dừa, xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dừa Bến Tre trong và ngoài nước.



Comments are closed.