28/Sep/2023

Category Archives: Du lịch Bến Tre

CÁC ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH SINH THÁI – MIỆT VƯỜN HUYỆN CHÂU THÀNH – BẾN TRE

- Từ thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm thành phố Bến Tre: 86 km;
- Từ thành phố Bến Tre – trung tâm huyện Châu Thành 9km đường bộ.
- Từ thị trấn Châu Thành đi bằng đường bộ đến các điểm du lịch của Châu Thành như sau:

Đến bến đò qua Khu du lịch Cồn Phụng (bến phà Rạch Miễu cũ) 02 km đường bộ và qua ngang qua dòng sông Tiền;
Điểm du lịch Năm Thành (ấp 1, xã Tân Thạch) 01 km;
Điểm du lịch Hồng Vân (ấp 1, xã Tân Thạch) 02 km;
Điểm du lịch Tân Phú (ấp Tân Phú, xã Tân Thạch) 01 km;
Điểm du lịch Hảo Ái (ấp 2, xã Tân Thạch) 1,5 km;
Điểm du lịch Thảo Nhi (ấp 1, xã Tân Thạch) 01 km;
Điểm du lịch Quê Dừa (ấp 2, xã Tân Thạch) 1,5 km;
Điểm du lịch Hương Dừa (ấp 9, xã Tân Thạch) 02 km;
Điểm du lịch Phong Phú 2 (ấp 2, xã Tân Thạch) 02 km;
Điểm du lịch Bến Trúc 3 (ấp 3, xã Tân Thạch) 02 km;
Điểm du lịch Tân Cồn Quy (ấp 3, xã Tân Thạch) 02 km đường bộ và đi đò ngang qua sông Ba Lai;
Điểm du lịch Hồng Vân 2 (ấp 3, xã Tân Thạch) 01 km;
Điểm du lịch Quê dừa (ấp 3, xã Tân Thạch) 01 km;
Điểm du lịch Diễm Phượng (ấp 10, xã Tân Thạch) 02 km đường bộ và qua ngang qua dòng sông Tiền;
Điểm du lịch sinh thái Cồn Quy (ấp 2, xã Quới Sơn) 03 km đường bộ và ngang qua sông Ba Lai;
Điểm du lịch Quới An (ấp 2, xã Quới Sơn) 03 km;
Đến điểm du lịch An Khánh (ấp 5, xã An Khánh) 03 km;
Điểm du lịch Vườn Dâu (ấp 5, xã An Khánh) 03 km;
Đến điểm du lịch An Khánh (ấp 6A, xã An Khánh) 02 km;
Điểm du lịch xanh Phú Túc (ấp Phú Thạnh, xã Phú Túc) 5 km;
Khu du lịch Forever Green Resort (ấp Phú Khương, xã Phú Túc) 10 km;
Điểm du lịch Vườn sinh thái Hàm Luông (ấp Hàm Luông, xã Tân Phú) 25 km.
- Các điểm du lịch tại huyện Châu Thành (Bến Tre) như: Năm Thành, Hồng Vân, Tân Phú, 2 điểm Quê Dừa, Hương Dừa, Phong Phú 2, Bến Trúc 3, Hồng Vân 2, đi bằng du thuyền, xuồng máy, xuồng chèo hay phương tiện xe 02 bánh là thuận tiện nhất.

- Điểm An Khánh, Quới An, Thảo Nhi, Hảo Ái, Hương Dừa, xe 04 bánh 30 chỗ, du thuyền, xuồng chèo đều đến được.

* Các điểm du lịch kể trên có dịch vụ xe ngựa và cho thuê xe đạp để du khách khám các vườn cây ăn trái hay ngắm cảnh trên đường làng quê xứ dừa…

- Điểm du lịch xanh Phú Túc (homestay) phương tiện xe 4 bánh dưới 15 chỗ và du thuyền đến được.

- Điểm Diễm Phượng, Tân Cồn Quy và Cồn Quy đi bằng du thuyền là thuận tiện nhất.

- Điểm đến khu du lịch Forever Green Resort bên dòng sông Tiền thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, phương tiện xe 4 bánh 50 chỗ đến được; Điểm vườn Hàm Luông nằm bên dòng sông Hàm Luông, xe 16 chỗ đến được, nếu đi bằng du thuyền, thì dưới chân cầu Rạch Miễu phía bờ Bến Tre có bến du thuyền đưa du khách đến 02 điểm này (điểm Forever Green Resort du thuyền đi khoảng 60 phút, đến điểm vườn Hàm Luông khoảng 90 giờ đồng hồ).

Về với miệt vườn Chợ Lách ở Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre, du khách thường nghĩ ngay đến dừa – loại cây đặc trưng gắn liền với vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long này. Tuy nhiên, nếu có dịp ghé thăm huyệnChợ Lách, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng bởi nơi đây không chỉ có dừa mà còn có rất nhiều loại cây ăn trái khác cùng các loại hoa kiểng, cây giống phong phú, đa dạng và độc đáo. Hiện nay, Chợ Lách – vùng đất được mệnh danh là “vương quốc cây trái” và “con đường hoa kiểng – cây giống” đang là điểm du lịch thu hút rất đông khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Từ trung tâm thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông rồi theo quốc lộ 60 khoảng 11km đến thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam), tiếp tục theo quốc lộ 57 khoảng 43km, du khách sẽ đến với huyện Chợ Lách. Hiện nay đã có tuyến xe buýt (MST 08) TP. Bến Tre – Mỏ Cày Bắc – Chợ Lách – Phà Đình Khao (Vĩnh Long) rất thuận tiện để du khách đến Chợ Lách từ cả 2 hướng Bến Tre và Vĩnh Long.

Huyện Chợ Lách nằm trên phần đất hẹp nhất phía trên cùng của cù lao Minh, có chiều dài 22,5km, chiều ngang giới hạn bởi hai bờ của con sông Cổ Chiên và Hàm Luông với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đất đai màu mỡ, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi giúp người dân nơi đây canh tác nên vùng cây giống và cây ăn trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất ĐBSCL.

1Những liếp cam, quýt vàng ruộm sai trĩu quả

Một trong những địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi đến huyện Chợ Lách là vườn cây ăn trái Cái Mơn (xã Vĩnh Thành). Đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút trước những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn dâu xanh ngắt, vườn măng cụt, bòn bon với những buồng trái trĩu quả từ gốc đến ngọn hay những liếp cam, quýt, bưởi, nhãn che khuất cả lối đi. Trái cây ở đây còn có cả xoài, chuối, cóc, ổi, mãng cầu xiêm, mít, vú sữa, hồng xiêm, lêkima, táo, đu đủ… Du khách có thể vào tận vườn tự tay hái và thưởng thức những trái chín thơm ngon, nghe chủ vườn giới thiệu và hướng dẫn cách chăm sóc từng loại cây để có được những mùa quả năng suất, chất lượng cung cấp cho thị trường cả nước.

Ngoài trái cây, Cái Mơn còn được biết đến như xứ sở của rất nhiều loài hoa bao gồm: vạn thọ, giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng…, cùng hàng chục giống hoa hồng (hồng nhung, hồng lay-ơn, hồng Elizabeth, hồng Korokit, hồng vàng, hồng đỏ, hồng cam, hồng phấn…). Ở đây còn có các loại cây kiểng quý hiếm như: sung, si, khế, bùm sụm, cau, mai, đinh lăng tía, tiểu huyết dụ, ngũ gia bì… và các loại kiểng lá như: hồng lộc, kim phát tài, dạ lan thanh, trúc bách hợp, kiểng tắc, mai vàng, đặc biệt là kiểng thú hình hươu, nai, rồng, phượng… rất đẹp mắt. Mỗi năm, làng nghề Cái Mơn cung cấp cho cả nước hàng trăm giống hoa kiểng các loại và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…

2Hoa kiểng hình thú – “đặc sản” của làng nghề Cái Mơn

Dừng chân ở xã Vĩnh Thành, du khách còn có dịp tham quan nhà thờ Cái Mơn – một trong những nhà thờ cổ (xây dựng năm 1872) lớn nhất Nam Bộ, nơi sinh hoạt tôn giáo của hơn 90% cư dân xã Vĩnh Thành. Nhà thờ có tháp chuông 9 tầng, cao 56,5m với 6 chuông đúc tại Pháp với tổng trọng lượng lên đến 4.000kg. Đối diện nhà thờ Cái Mơn là nhà bia tưởng niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký, một trong những vị bác học nổi tiếng thế giới thế kỷ 19, người biết trên 20 ngoại ngữ và có 118 tác phẩm được xuất bản.

Đến với huyện Chợ Lách, du khách còn có thể tham quan nhiều điểm du lịch sinh thái – miệt vườn hấp dẫn khác như: điểm du lịch Ba Ngói ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình) với vườn cây trái trĩu cành nhiều chủng loại; điểm du lịch sinh thái Năm Công (xã Hưng Khánh Trung B) chuyên sản xuất cây kiểng hình dạng thú; điểm du lịch sinh thái Hồ Vũ (xã Phú Phụng)…

3Ngồi xuồng thưởng ngoạn cảnh quan sông nước

Chuyến tham quan miệt vườn Chợ Lách sẽ thú vị hơn nếu du khách đứng trên những cây cầu khỉ cong vút ngắm hoàng hôn đỏ lựng phía cuối chân trời; thưởng thức các món ăn đặc sản Bến Tre tại các quán ăn lợp lá dừa nằm dọc những con rạch hoặc ẩn mình trong những vườn cây rợp mát, thả hồn du dương theo những giai điệu đờn ca tài tử ngọt ngào, sâu lắng; trải nghiệm cuộc sống dân dã, bình dị khi tham gia sinh hoạt, sản xuất cùng những người dân hiền lành, chất phác và vô cùng thân thiện, hiếu khách. Khi ra về, du khách đừng quên lựa chọn những món quà lưu niệm là đặc sản của xứ dừa để dành tặng bạn bè, người thân.

Với ưu thế vườn cây ăn trái, hoa kiểng phong phú, đa dạng cùng cảnh quan sinh thái – miệt vườn hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng Nam Bộ, Chợ Lách đang dần khẳng định vị trí và thương hiệu không chỉ trên bản đồ du lịch của Bến Tre mà còn của vùng Nam Bộ và cả nước. Đến với Chợ Lách để khám phá và tận hưởng không gian miệt vườn sông nước sống động, đầy sắc màu, chắc hẳn du khách sẽ không thể nào quên hành trình thú vị này.

Các Tour Du lịch Bến Tre

Tour Du thuyền trên sông Bến Tre

Buổi sáng, Hướng dẫn viên Công ty Du Lịch Hàm Luông đón du khách tại TP.HCM, Mỹ Tho hoặc Bến Tre. Đến TP Bến Tre, Quý khách đi thuyền trên sông Bến Tre, tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương: chài lưới, giăng câu.

c_500_415_16777215_00_images_stories_010313_Ben_tre1.jpg

Dừng chân tham quan lò gạch, tìm hiểu cách nung gạch bằng phương pháp thủ công. Đi thuyền máy len lỏi trong kênh rạch đến nhà dân, thưởng thức đặc sản của xứ dừa và trái cây theo mùa và thưởng thức chương trình đờn ca Tài Tử Nam Bộ do người dân địa phương biểu diễn. Tản bộ tham quan cơ sở sơ chế trái dừa, lò kẹo dừa. Quý khách sẽ có trải nghiệm thú vị với xe lôi máy hoặc xe đạp theo đường làng, qua những vườn dừa, ruộng lúa, rẫy hoa màu. Tham quan hộ dân làm nghề dệt chiếu.

Buổi trưa, Du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn tại nhà dân bên bờ rạch, dùng cơm trưa với thực đơn miệt vườn. Tiếp tục cuộc hành trình bằng xuồng chèo trong kênh rạch, qua rừng dừa nước bạt ngàn. Thuyền đón quý khách tại Vàm sông và đưa quý khách về điểm đón.

 Tour Mê Kông – Sông nước miệt vườn

Hướng dẫn viên Du Lịch Hàm Luông đón du khách tại TP HCM, Mỹ Tho hoặc Bến Tre.

c_500_479_16777215_00_images_stories_010313_Ben_tre2.jpg

Đến Mỹ Tho đại phố, Quý khách dùng điểm tâm sáng với đặc sản Hủ Tíu Mỹ Tho. Xe đưa Đoàn viếng chùa Vĩnh Tràng – một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất  Nam Bộ. Xe đưa đoàn đến Bến tàu. Quý khách đi du thuyền trên sông Tiền, tham quan chợ cá trên sông (cảng cá Mỹ Tho) và ngoạn cảnh 4 cù lao Long, Lân, Qui, Phụng và cảnh sinh hoạt sông nước miền tây.

Thuyền đưa du khách vào rạch tham quan vườn ong mật Quới Sơn, thưởng thức trái cây, show Đờn ca Tài tử Nam Bộ, do người dân địa phương biểu diễn. Đi xe ngựa len lỏi trong đường làng đến tham quan vườn mật ong và thưởng thức mật ong nguyên chất tại vườn. Đi xuồng chèo từ rạch ra vàm sông với những dãy dừa nước ngút ngàn.

Đò đón du khách tham quan lò kẹo dừa và thưởng thức kẹo dừa–đặc sản Bến Tre. Sau đó, đò đưa du khách đến dùng bữa trưa tại nhà hàng trên Cồn Phụng (nếu có nhu cầu).

Nghỉ ngơi, tham quan di tích Đạo Dừa (Vừa), làng thủ công mỹ nghệ gỗ dừa. Thuyền đưa du khách về điểm đón, kết thúc tour.

Dừa đi vào nét văn hóa ẩm thực của người Bến Tre

Cây dừa đã trở thành một chuỗi giá trị kinh tế toàn diện, tạo hàng trăm dòng sản phẩm, đang chiếm một vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển của Bến Tre. Những giấc mơ xanh về một cuộc sống thanh bình gắn bó với thiên nhiên, hoa trái và những rặng dừa xanh biếc. Người dân xứ dừa cư trú trong một hệ sinh thái đặc biệt, bao bọc bởi nhiều sông rạch với nhiều nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú, với nhiều sản vật tự nhiên vốn chỉ có trong rừng dừa. Người Bến Tre đã biết khai thác các nguồn sản vật đặc trưng đó để sáng tạo các món ăn, kiểu ăn độc đáo của riêng mình. Trong những bữa ăn thường ngày của người dân Bến Tre cũng như những ngày lễ, tết, những món “đặc sản” dùng để đãi bạn bè, người thân hay thực khách bốn phương đều không thể thiếu nguyên liệu dừa. Cách ăn của người dân Bến Tre mang sắc thái chung của lối ăn dân dã: ăn nhiều tôm cá và các thủy hải sản tự nhiên, tận dụng nhiều loại rau thiên nhiên có sẵn trong môi trường. Dưới những mương rạch của rừng dừa còn có nhiều loài tôm cá đặc biệt như cá bống dừa, cua, tôm càng xanh, tép, hến và nhiều loại thủy sản khác. Trong hệ sinh thái rừng dừa còn có loài ong ruồi chuyên lấy mật từ hoa dừa, các loài rắn, rùa, cua đinh, kỳ đà, rắn mối… cũng góp phần làm cho nguồn thực phẩm của người Bến Tre thêm phong phú. Dưới đất trồng dừa còn có nấm mối, các loài rau tự nhiên mọc xen lẫn. Những hệ động thực vật đa dạng trong rừng dừa cũng là thành phần của một số món ăn, đồ uống đặc sắc của người Bến Tre từ xưa tới nay, và mấy ai biết được: Chuột dừa, một loài vật chuyên phá hại dừa nhưng lại là một món ăn được ưa chuộng nơi đây. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết và hình dung đầu tiên khi nhắc tới sản phẩm về Dừa: đó là uống nước dừa. Có lẽ nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên những giống dừa trồng ở Bến Tre như dừa dâu, dừa chùm, trái nhỏ, nước rất ngọt, 1 buồng có khoảng 30 – 40 trái. Chỉ đến Bến Tre, người ta mới được thưởng thức 1 loại nước dừa đặc biệt: dừa dứa – điều đặc biệt ở trái dừa này là khi uống có thơm mùi của trái dứa. Dừa xiêm xanh, dừa Tam quan … mỗi loại dừa đều có kiểu ngon riêng, người Bến Tre có câu “uống nước dừa xiêm khỏi tiêm thuốc bổ” để ca ngợi quả dừa. Người sành điệu chỉ thích bưng quả dừa mà uống, ai thích ăn cùi thì có thể nạo ăn. Đối với những chị em khi mang thai, họ thường chịu khó uống nước dừa hàng ngày vì tin rằng nước dừa sẽ giúp đứa trẻ sinh ra có làn da trắng trẻo, mịn màng. Người Việt Nam ai cũng phải công nhận các loại thức uống công nghiệp đắt tiền nhưng chẳng thể sánh với vị nước dừa quê hương, vừa ngon lại vừa bổ. Ngoài công dụng giải khát, nước dừa còn dùng để kho thịt, nấu rất nhiều món ăn như tiềm, ram, ca-ri, rô-ti, làm nước luộc tôm, gà, vịt… Nước dừa cũng được dùng làm giấm ăn, dùng để nhúng bánh tráng khi làm món chả giò để chả có màu vàng ruộm và vỏ được giòn. Nước dừa khô có độ ngọt thấp thì được dùng chế biến thành nhiều thứ như thạch dừa, hoặc nấu cô đặc lại thành nước hàng để kho thịt cá. Thịt hoặc cá ướp nước màu dừa có màu vàng ươm rất đẹp còn làm cho món ăn có mùi thơm đậm đặc của nước dừa. Nước màu dừa rất ngon vì thế được nhân dân Bến Tre rất ưa dùng. Phần cùi dừa được sử dụng vào các mục đích như: dừa nạo non, dừa nạo dẻo, dừa cứng cạy, dừa rám và dừa khô. Dừa cứng cạy và dừa rám được dùng làm mứt, kho chung với thịt, hoặc có thể chiên bột giả món tôm chiên, dùng làm món ăn chay, tùy ý thích mà chọn độ cứng của dừa. Khi chọn dừa chỉ cần búng tay vào quả hoặc khẻ lắc quả dừa để chọn đúng “tuổi” quả dừa nào phù hợp với yêu cầu chế biến. Ngoài ra người ta còn nạo thành sợi rắc lên xôi, bắp hầm, món khoai mì quết, làm nhân bánh ít, bánh phu thê, trộn gỏi . Nước cốt dừa rất đa dụng trong việc chế biến món ăn. Vị béo đậm đà của nước cốt dừa là một hương vị đặc trưng, một trong những nguyên liệu cơ bản. Dừa rám, dừa khô được nạo nhuyễn vắt lấy nước cốt, có thể nạo dừa bằng bàn nạo tay hoặc bằng máy, sau đó nhào với nước ấm rồi vắt, ép lấy nước cốt trắng tinh như sữa nên còn được gọi là sữa dừa. Các loại kẹo, bánh, chè, kem cũng như rất nhiều món mặn dùng trong ngày thường hay giỗ chạp, lễ, tết đều không thể thiếu nước cốt dừa. Món đặc sản Tôm hấp trái Dừa

Món đặc sản Tôm hấp trái Dừa

Khi trái dừa khô mọc mầm, bên trong hình thành một cái “phổi” dùng để hút nước nuôi mầm gọi là mộng dừa. Mộng dừa xốp, ngọt, dùng để ăn chơi hay xào tép đều ngon. Ngoài ra còn có món đuông dừa thơm và bổ, là món ăn ngày xưa dùng để tiến vua. Đuông dừa là một loại ấu trùng của loài bọ dừa cánh cứng sống trong thân cây dừa, người ta bổ thân cây dừa để lấy con ấu trùng này chế biến thành một món ăn đặc biệt. Rượu dừa là thứ rượu được chế một cách đơn giản và độc đáo. Người ta trèo lên cây dừa, chọn buồng dừa nạo, đục cuống nhét viên men rượu vào, khoảng 10 ngày sau nước dừa lên men biến thành một loại rượu nhẹ uống rất ngon. Các món ăn được chế biến từ những sản vật trong hệ sinh thái rừng dừa – sông nước được chia làm 3 loại: 1. Loại động vật gồm: chuột dừa, cúm núm quay nước dừa; rắn mối nấu cháo đậu xanh hay xào sả ớt; rắn nước bằm xúc bánh tráng; rắn bông súng hầm sả, nước dừa; ong vò vẽ non nấu cháo đậu xanh; ong vò vẽ già chiên giòn; dơi quạ quay chảo; dơi sen luộc chấm muối tiêu chanh; ếch xào lá cách. 2. Loại thủy hải sản gồm: cá bống dừa kho nước cốt, cá lòng tong chiên, cá lóc nướng trui, tôm càng xanh luộc nước dừa… 3. Loại thực vật gồm: nấm mối nướng, nấm mối xào lá cách, củ hủ dừa hầm giò heo… Đến với Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm nay, hàng trăm ngàn du khách có thể thưởng thức hầu hết các loại sản vật làm từ dừa và đặc biệt được nếm thử các hương vị ẩm thực làm từ trái Dừa Bến Tre, niềm tự hào của quê hương Đồng Khởi.

Về Bến Tre thăm Cồn Phụng

Giống như một ốc đảo xanh nổi trên sông Tiền, Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng nằm trên một cù lao thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái đối với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi. Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh. Cồn Phụng lúc đầu chỉ là một cù lao nổi giữa sông Tiền vào những năm 1930 với diện tích khoảng 28 ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên tới trên 50 ha. Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mĩ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là “long”, cồn Thới Sơn là “lân”, cồn Quy (nằm phía sông Ba Lai) là “quy”, và Cồn Phụng (còn gọi là cù lao Đạo Dừa) là “phụng”. Tên Cồn Phụng có từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật vào hồi đầu thế kỉ XX. Khi công trình này đang xây dựng, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phụng, nên đặt tên là Cồn Phụng. Ngoài ra, sở dĩ nó còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa là do ông Nguyễn Thành Nam khi đến đây xây chùa Nam Quốc Phật, đã thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hoà bình, sống bằng hoa trái.

Về Bến Tre thăm Cồn PhụngKhu du lịch sinh thái Cồn Phụng là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về thăm quê hương Đồng Khởi. (Ảnh: Nguyễn Luân) Thuyền du lịch đưa du khách nước ngoài đến thăm Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh) Một nếp nhà xưa ở Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)Về Bến Tre thăm Cồn PhụngKhoảng sân của khu di tích Đạo Dừa với 9 cây cột chạm rồng. (Ảnh: Lê Minh) Cây cầu khỉ đặc trưng của miền Tây Nam bộ. (Ảnh: Nguyễn Luân) Du khách nước ngoài khám phá vẻ thanh bình của những khu vườn trên Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh) Giải trí với trò câu cá sấu. (Ảnh: Lê Minh) Khách nước ngoài với những món đồ thủ công mĩ nghệ làm từ cây dừa. (Ảnh: Lê Minh) Một góc Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng. (Ảnh: Lê Minh)

Một điểm mà du khách không thể bỏ qua là tham quan khu di tích Đạo Dừa trên diện tích khoảng 1.500m². Hiện di tích này được bảo tồn nguyên kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa – Nguyễn Thành Nam (1909-1990) với khu sân có 9 con rồng; tháp Hòa Bình (cửu trùng đài), nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc huyền bí bằng những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén và một đỉnh lớn cao chót vót. Trong nhà trưng bày của ông Đạo Dừa còn ghi lại những bức ảnh của ông lúc sinh thời, đến khi ông qua đời… Nhìn từ xa, ốc đảo Cồn Phụng nhô cao giữa con sông Tiền hiền hòa, điều này mang lại một cảm giác thú vị cho du khách những lúc ngồi trên ghe xuồng thưởng ngoạn cảnh sông nước của miền Tây. Cồn Phụng còn cuốn hút du khách bởi những nét sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các nghề thủ công được chế tác từ dừa. Du khách có thể đi thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… Cồn Phụng như một làng quê miền Tây thu nhỏ của Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách có thể khám phá và trải nghiệm nhiều nét độc đáo về văn hoá, tập tục trong đời sống dân dã của người dân xứ dừa Bến Tre. Đất đai ở đây phù sa màu mỡ, cây trái xum xuê. Nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống chủ yếu bằng nghề nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn và một số loài hoa khác. Ngồi trên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức một đặc sản văn hóa nổi tiếng của người miền Tây, đó là đờn ca tài tử. Đến với Cồn Phụng, sau bữa cơm trưa với những món ăn dân dã mang đậm phong vị ẩm thực vùng sông nước Nam bộ, du khách sẽ được ngả lưng trên những chiếc võng êm ái nhẹ đưa dưới bóng mát của những khu vườn nhãn. Hiện nay, khu du lịch sinh thái Cồn Phụng đang được đầu tư nâng cấp hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn thú hoang dã, làng nghề truyền thống, trùng tu quần thể kiến trúc Đạo Dừa… để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút du khách. Nhờ đó, mỗi năm, Cồn Phụng thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan./